Nghĩ dài nên mới viết được ngắn. Nghĩ ngắn thì viết sẽ dài! 

Con người ngày càng bận rộn, họ không có nhiều thời gian để đọc, nhưng họ có thời gian để đọc những thứ thực sự có giá trị. Nếu bạn muốn họ đọc bài của mình, hãy viết điều gì đó có ý nghĩa.

Gọn gàng


Có nhiều cách thể hiện một bài viết, nhưng theo những hiểu biết và kinh nghiệm riêng, tôi đánh giá cao bài viết gọn gàng, dễ lướt và nhanh chóng hiểu được ý của bài viết. Nếu bạn có quá nhiều ý để nói, hãy chia ra thành nhiều bài viết, mỗi bài viết chỉ nên có 1 ý chính và diễn giải ý đó thật tốt. Đừng cố gắng nhồi nhét quá nhiều. Đơn giản, khi bạn ăn từng thứ một, bạn cảm nhận được vị ngon của món ăn đó, nhưng nếu bạn ăn quá nhiều món cùng lúc, bạn chỉ “no” chứ không thưởng thức được món ăn nữa.
Bài viết chỉ cần viết “những gì cần phải viết” chứ đừng cố gắng viết cho dài hay cho hết những ý tưởng trong đầu bạn. Phải biết chọn lọc, những câu nào cần thiết, những ví dụ nào dễ hiểu, những hình ảnh nào có thể thay lời văn, …

Khoa học


Có nhiều cách trình bày một bài viết, nhưng bạn nên sắp xếp bài viết của mình một cách khoa học. Bài viết hay chưa đủ, còn phải biết cách trình bày.
  • Phải có hình minh họa, hình minh họa thể hiện đúng nội dung bài viết và phải hấp dẫn, sinh động.
  • Phải có font, size và màu sắc phù hợp với người đọc.
  • Nên trình bày dưới dạng các phân đoạn, mỗi đoạn có ý chính. Nên đánh số cho mỗi đoạn để người đọc dễ theo dõi.
  • Cuối bài luôn luôn phải có kết bài, để người đọc tóm lại những điểm chính của bài viết.

Làm thế nào để nói nhiều hơn nhưng mang nhiều ý nghĩa hơn trong 1 câu


Muốn viết ngắn, như đã đề cập trong 1 bài viết trước đây, bạn phải bắt đầu viết và luyện tập. Luyện tập ở đây có 2 việc: (1) là luyện viết và (2) là luyện đọc. Trước khi viết, tất nhiên bạn phải có ý tưởng và triển khai thành sườn bài, nhưng trong quá trình viết, bạn sẽ nảy sinh rất nhiều ý tưởng khác, vừa góp phần làm rõ nghĩa chủ đạo, vừa đi xa ý tưởng chủ đạo. Nếu bạn viết như vậy và đăng, thì bài sẽ rất dài và không có trọng tâm. Điều bạn cần làm là đọc lại.
Đọc lại bài viết và xem câu này có thể thay bằng câu nào khác ngắn hơn không? Có thể thay 1 ví dụ nào ngắn gọn mà dễ hiểu hơn không? Nghĩa của câu này có khó hiểu không, có bị hiểu nhầm thành ý khác không? Những câu trong bài có bổ sung cho ý chính, làm rõ nghĩa không? Có cần thiết không? Sau khi đọc lại bài, bạn có thể lượt bớt ít nhất là 20% câu trong bài, và nếu bạn có thể tinh giảm thêm 10-20% nữa thì bài viết của bạn sẽ vô cùng súc tích.
Để làm được điều này, sau khi luyện tập viết, đọc lại và thay thế cũng như bỏ câu, bạn sẽ phát hiện, có một cách dễ dàng hơn – nghĩ dài. Nếu như bạn tìm kiếm nhiều dữ liệu hơn cho bài viết của mình, bạn nghĩ thấu đáo hơn, nhiều hơn, sâu hơn, thì bạn sẽ có những câu viết “đúc kết”. Từng câu trong bài là đúc kết chứ không để nhiệm vụ đó cho kết bài nữa, bài viết của bạn lúc này sẽ rất chắc chắn, từng câu đều có ý nghĩa và không thể thay thế.

Ngắn không có nghĩa là súc tích!

Viết súc tích thì bài viết của bạn sẽ ngắn, nhưng ngắn không đồng nghĩa với súc tích. Có nhiều người viết ngắn, nhưng lại không thể hiện đủ ý, không lí giải cho người đọc hiểu thì đó gọi là hời hợt, bài viết không đủ giá trị.
Tóm lại: Rèn luyện kĩ năng viết súc tích giúp ích rất nhiều cho bạn. Khả năng truyền đạt cũng như khả năng thu hút người đọc sẽ tăng. Viết thú vị lắm, viết súc tích còn thú vị hơn. Hãy là người nói ít nhưng nhiều ý nghĩa!

Bình luận Facebook